• Giao hàng miễn phí toàn quốc - TP HCM giao tận nơi
  • Balo PGYTECH ONE GO AIR - ONE MO 2
  • Smallrig phụ kiện hỗ trợ quay điện thoại Iphone
  • Smallrig phụ kiện cage, l plate, rig, tools
  • Tilta Phụ kiện chính hãng
  • Phụ kiện Gopro 11 10 9 8 7 6 5

Những biến động của làng game Việt sau Nghị định 72

Kể từ 1/9 vừa qua, Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng để thay thế cho Nghị định 97 trước đây do chính phủ ban hành đã chính thức có hiệu lực. Nghị định được cho ra đời nhằm giải quyết các nỗi trăn trở của doanh nghiệp game Việt bấy lâu nay. Điểm đáng chú ý nhất của Nghị định 72 chính là điều khoản về cấp phép dịch vụ trò chơi trực tuyến theo 4 hạng mục G1, G2, G3 và G4.

Hơn một tháng kể từ khi Nghị định được cho ra đời, làng game Việt đã chứng kiến không ít sự biến động từ diễn biến thị trường cho đến bản thân các doanh nghiệp kinh doanh game online. Cùng Game Thủ.net điểm lại những biến động nổi bật của làng game trong thời gian gần đây.

Hàng loạt doanh nghiệp game tái cấu trúc nhân sự

Game online là một trong những ngành "hái ra tiền" của nền kinh tế quốc dân nói chung và có đóng góp lớn cho doanh thu của ngành Nội dung số nói riêng (đạt doanh thu 6.000 tỷ đồng trong năm 2012 theo thống kê của Bộ Thông tin Truyền thông). Song thời gian gần đây, miếng bánh game online đang bị "chia năm xẻ bảy" bởi sự xuất hiện của hàng loạt NPH nhỏ và vừa bên cạnh tam đại gia VNG, VTC và FPT. Lợi nhuận suy giảm, nhân sự cồng kềnh đã buộc một loạt doanh nghiệp game, trong đó bao gồm cả bộ ba NPH lớn nhất hiện nay, phải chọn giải pháp cắt giảm nhân sự.

Doanh nghiệp game đang đau đầu vì bài toán nhân sự và doanh thu.
Doanh nghiệp game Việt đang đau đầu vì bài toán nhân sự và doanh thu hơn bao giờ hết.

Theo những thông tin không chính thức từ các doanh nghiệp, VTC Online là một trong những công ty game có biến động nhân sự lớn nhất khi tiến hành cắt giảm khoảng 40% nhân sự. Một số cái tên khác như FPT Online cũng cho nghỉ việc khoảng 20% nhân sự, SSGroup giảm 30%, Net2E 30%... Cá biệt có trường hợp của VTC Studio - studio sản xuất game có quy mô lớn nhất tại Việt Nam trước đây - đã phải đóng cửa do làm ăn không hiệu quả.

Trên thực tế, khá nhiều nhân sự bị cắt giảm từ các công ty game nói trên không hề "đứng đường" mà chỉ đơn thuần có cuộc dịch chuyển từ đơn vị này sang đơn vị khác. Một số người khác đã tận dụng các mối quan hệ đối tác có sẵn để đứng ra thành lập các công ty làm game riêng.

Một trong những cái tên mới đáng chú ý nhất vừa được thành lập thời gian qua là VGG, đơn vị làm game quy tụ toàn những "bình hùng tướng hậu" từ VTC Intercom tách ra. Hiện tại, theo tìm hiểu của Game Thủ.net, VGG đã nắm trong tay một số sản phẩm game online quy mô và sẵn sàng tấn công thị trường trong thời gian không xa.

Game online mới đã dần được cấp phép

Nghị định 72 ra đời đồng nghĩa với việc cấp phép game online mới đã chính thức được chính phủ thông qua. Điều kiện để trò chơi mới được cấp phép so với các văn bản pháp luật trước đây trên thực tế hầu như chưa có gì mới. Nội dung, kịch bản các trò chơi cần đáp ứng một số điều kiện như: không có hình ảnh, âm thanh gây cảm giác ghê sợ, rùng rợn, kích động bạo lực, thú tính, dung tục, khêu gợi, kích thích dâm ô, trụy lạc, vô luân, trái với truyền thống đạo đức, văn hóa...

Game mới đã bắt đầu có phép.
Game mới đã bắt đầu có phép. Ảnh minh họa: V.H.

Chia sẻ với Game Thủ.net, một số lãnh đạo doanh nghiệp game Việt cho biết tính đến thời điểm này, một số game online mới dạng casual giải trí nhẹ nhàng và game thể thao đã được Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cấp phép. Đây cũng chính là thể loại được ưu tiên cấp phép bên cạnh các sản phẩm game thuần Việt, giáo dục...

Đây được coi là tín hiệu đáng mừng cho làng game Việt khi mà hơn 2 năm qua kể từ khi lệnh cấm nhập khẩu game online mới được ban hành, 100% các doanh nghiệp phát hành game online tại VN đều phải phát hành sản phẩm game chưa được thẩm định kịch bản, vi phạm quy định pháp luật về quản lý trò chơi trực tuyến.

Game private vẫn hoành hành

Nhiều người từng dự đoán, Nghị định 72 ra đời đồng nghĩa với viễn cảnh số lượng các game lậu, game không phép trong thời gian tới hứa hẹn sẽ giảm mạnh. Các doanh nghiệp game cũng phần nào có thể thở phào nhẹ nhõm khi chí ít, các game nhập về của họ sẽ giảm được nguy cơ "đắp chiếu" như một số sản phẩm trước đây. Tình trạng NPH không đám công khai danh tính vì sợ Bộ "sờ gáy" nhiều khả năng sẽ không còn.

Game private đang hoạt động tinh vi và mạnh mẽ hơn.
Game private đang hoạt động tinh vi và mạnh mẽ hơn. Ảnh minh họa: V.H.

Tuy nhiên trên thực tế, dù một số game online mới đã bắt đầu được cấp phép song đa phần các trò chơi bị xét vào dạng phải kiểm duyệt kỹ như tiên kiếm hiệp, Tam Quốc... vẫn phải chờ đợi. Trong bối cảnh các game online đề tài này tại Việt Nam đang chiếm số đông, rõ ràng đây là điều kiện thuận lợi để các private server tiếp tục hoành hành.

Thậm chí trong thời gian gần đây, những game private đang có dấu hiệu sinh sôi nảy nở với nhiều hoạt động quảng bá mạnh mẽ trên các kênh cộng đồng, diễn đàn giải trí, Facebook... Trong số này, một số cái tên game private đang gây chú ý cho cộng đồng như Huyền Thoại CS, Nguyệt Nhãn, Nguyệt Ảnh Truyền Thuyết, Đao Kiếm Vô Song... Đây đều là những sản phẩm chưa từng được phát hành tại Việt Nam những đã bị rò rỉ mã nguồn bên Trung Quốc và được một số đơn vị chuyên làm private tậu về chỉnh sửa để vận hành.

NPH game Trung Quốc vẫn hoạt động dù đã bị "sờ gáy"

Vừa qua, 2 cổng game lớn của của công ty Koramgames - NPH Trung Quốc đầu tiên tại VN - là Myw.vn và Gaubay.vn đã bị cơ quan chức năng tiến hành truy quét sau khi bị xác định có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Trước đó, 4 sản phẩm của NPH Trung Quốc này là Tam Quốc Tranh Hùng, Phi Tiên, Tuyệt Đỉnh Tam Quốc Tiên Cảnh từng bị Bộ Thông tin Truyền thông đề nghị chặn máy chủ cùng tên miền.

Hoa Sơn Luận Kiếm vẫn hoạt động trên tên miền riêng.
Hoa Sơn Luận Kiếm vẫn hoạt động trên tên miền riêng.

Đến nay, hai cổng game này đã chính thức ngừng hoạt động. Tuy nhiên, điều đáng nói là các sản phẩm game từng được tích hợp trên 2 cổng này giờ đây đã đi vào hoạt động riêng lẻ trên tên miền riêng, chẳng hạn Hiệp Khách Tam Quốc (hiepkhachtamquoc.com), Hoa Sơn Luận Kiếm (hoasonluankiem.com), Phi Tiên (phitien.com), Tiên Cảnh (tiencanh.com)...

Việc doanh nghiệp Trung Quốc này cũng như một số đơn vị khác đến từ xứ sở gấu trúc vẫn ngấm ngầm hoạt động dù đã bị "sờ gáy" có thể coi là mối nguy hiểm tiềm tàng. Với những chiêu bài cạnh tranh không lành mạnh, quảng cáo game sử dụng hình ảnh nhạy cảm... rõ ràng vấn đề xử lý các đơn vị này cần được thực thi quyết liệt hơn nữa

gamethu.net

Share facebookShare facebook

Tin Cùng Chuyên Mục

Trang 1 / 1

Bạn đã đọc tin này chưa ?

Go Top
Chat hỗ trợ
Chat ngay